Dấu ấn Công ty An Thông trên vùng đất nghèo



Hà Giang Online - Trong 3 năm hoạt động (2010-2012), Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông (Công ty An Thông) đã nộp ngân sách Nhà nước 86,7 tỷ đồng. Riêng năm 2012, Công ty nộp 62,9 tỷ đồng tiền thuế, chiếm 9% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Trong đó, nộp ngân sách huyện Bắc Mê 32,6 tỷ đồng chiếm 76% thu ngân sách huyện; nộp ngân sách huyện Vị Xuyên 26,5 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu ngân sách địa phương. Con số trên đã đưa Công ty An Thông trở thành đơn vị đứng đầu trong hơn 1.000 doanh nghiệp của tỉnh về nộp ngân sách Nhà nước.


Nhà hiệu bộ trường Tiểu học Tùng Bá A được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của Công ty An Thông.

Công ty An Thông - đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoà Phát là một trong những doanh nghiệp sớm hưởng ứng chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư của tỉnh. Đến với Hà Giang, vùng đất nằm trong tốp nghèo nhất nước, Công ty luôn xác định rõ lợi ích của doanh nghiệp gắn chặt với lợi ích người lao động và sự phát triển của địa phương. Trong số những dự án khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, hoạt động đầu tư của Công ty An Thông được đánh giá bài bản, chuyên nghiệp với quy trình sản xuất hiện đại, khép kín, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động tới môi trường.

Đến nay, tổng nguồn vốn Công ty đầu tư vào địa bàn tỉnh đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, với hệ thống các cơ sở sản xuất như: Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên đã hoàn thành quá trình đầu tư; Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Minh Sơn (Bắc Mê) hoàn thành đầu tư giai đoạn I; Nhà máy quặng vê viên tại KCN Bình Vàng đang trong quá trình đầu tư, phấn đấu đi vào hoạt động trong năm nay. Các dự án của Công ty đã giải quyết việc làm cho 265 lao động địa phương, mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, nền kinh tế thế giới và trong nước rơi vào đà suy giảm, giá thành sản phẩm thấp, hàng tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm nhân công. Trước khó khăn chung của nền kinh tế, Công ty đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất... nên vẫn duy trì tốt hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động, số thuế nộp ngân sách liên tục tăng qua các năm. Nếu như, năm 2010 số thuế nộp ngân sách chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, thì sang năm 2011 đã tăng lên 21,3 tỷ đồng và năm 2012 vừa qua vượt lên đạt gần 63 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách địa phương.


Nhà máy quặng vê viên của Công ty An Thông tại KCN Bình Vàng sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Ở Công ty An Thông nói riêng và Tập đoàn Hòa Phát nói chung, khẩu hiệu “Hoà hợp cùng phát triển” đã trở thành nét văn hoá doanh nghiệp. “Sản xuất gắn liền với quyền lợi người lao động, sự phát triển địa phương là yếu tố quyết định đến sự sống còn của đơn vị” - ông Vũ Thế Hùng, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên chia sẻ như vậy. Đến xã Tùng Bá (Vị Xuyên), một trong những địa phương được Công ty An Thông đầu tư theo chính sách của tỉnh, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ rệt trong đời sống người dân. Không chỉ tạo điều kiện cho con em địa phương vào làm, Công ty còn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, trường học, nhà văn hoá... Trên địa bàn xã Tùng Bá, hiện có rất nhiều công trình mang dấu ấn của Công ty An Thông.

Năm học 2011-2012 là mốc thời gian đáng nhớ đối với cô, trò trường Tiểu học Tùng Bá A khi dãy nhà hiệu bộ 2 tầng với đầy đủ các phòng chức năng, phương tiện vật chất đầu tư bằng nguồn vốn của Công ty An Thông được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Tiểu học Tùng Bá A có 366 học sinh, 19 lớp học, 40 cán bộ giáo viên. Trước đây, nhà hiệu bộ chưa được đầu tư, giáo viên phải mượn phòng của học sinh để sinh hoạt, việc triển khai các hoạt động chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Nhưng nay khác rồi, nhà hiệu bộ được đầu tư hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt chuyên môn, từ đó chất lượng giảng dạy, quản lý học sinh được nâng lên. Ngoài ra, cán bộ, công nhân của Công ty còn thường xuyên tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.


Nhà văn hóa thôn Nà Lòa (Tùng Bá - Vị Xuyên) được Công ty An Thông hỗ trợ xây dựng.

Trước khi các dự án của Công ty An Thông đi vào hoạt động, thôn Nà Loà được xếp vào diện nghèo nhất xã Tùng Bá. Hai năm sau ngày Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên đóng tại địa bàn thôn đi vào hoạt động, cuộc sống người dân đã sang trang mới khi nhiều con em của thôn trở thành công nhân. Người lao động làm việc tại Công ty được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, bảo hộ lao động, chế độ ăn 3 bữa chính/ngày, ăn ca... Với mức lương bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng, nhiều gia đình có con em làm việc tại Công ty không những tạo lập cuộc sống ổn định, còn từng bước tích luỹ, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt. Anh Vương Văn Toại (Tùng Bá), công nhân xưởng tuyển Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên cho biết: Trước đây cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” vẫn không đủ ăn. Từ khi trở thành công nhân, làm việc gần nhà, thu nhập ổn định nên gia đình anh đã có tích luỹ, có tiền cho con ăn học.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Đán Văn Sần thôn Nà Loà không giấu được niềm vui. Thời trai trẻ, ông tham gia quân ngũ, bị ảnh hưởng chất độc da cam nên đau ốm liên miên, sức khoẻ yếu khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Biết rõ hoàn cảnh, Công ty An Thông đã nhận 2 con của ông vào làm việc, ngoài ra còn hỗ trợ xi măng, huy động nhân công giúp gia đình ông làm nền nhà sạch sẽ.

Trao đổi với báo giới, ông Trần Đình Dũng, Phó Giám đốc Công ty An Thông cho biết: Mặc dù hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng công tác an sinh xã hội vẫn luôn được chú trọng. Không chỉ tham gia hoạt động xã hội tại địa bàn các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê - nơi có dự án đang hoạt động, Công ty còn tích cực hưởng ứng chủ trương của tỉnh như ủng hộ xây dựng nhà tổ dân quân luân phiên thường trực, trạm y tế xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) trên 3 tỷ đồng; ủng hộ phát triển cơ sở hạ tầng năm 2012 với số tiền 5 tỷ đồng... Tổng số tiền tham gia hoạt động an sinh xã hội từ năm 2010 đến nay trên 16,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cán bộ, công nhân viên Công ty còn tổ chức nhiều đợt quyên góp tặng sách vở, chăn màn, quần áo ấm cho các cháu học sinh, tặng quà gia đình chính sách, hỗ trợ gia đình bị thiên tai. Gắn kết lợi ích doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, cùng hợp tác phát triển, là văn hoá doanh nghiệp mà tập thể cán bộ, công nhân Công ty An Thông luôn tâm niệm, luôn quyết tâm thực hiện nhằm tạo dấu ấn tốt đẹp trên mỗi vùng đất nghèo của Hà Giang.



Thiên Thanh/ Báo Hà Giang
Nguồn: Cổng thông tin tập đoàn Hòa Phát

Bình luận

Gửi bình luận 0 bình luận

Bài viết liên quan