“….Rồi em mơ em gặp ba má em trên đời…”



“Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi”
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm “những người em nuôi”– những em nhỏ thiếu hơi ấm cha mẹ mà Hòa Phát đồng hành cùng Hội phụ nữ một số địa phương để phần nào bù đắp tinh thần và vật chất cho các em.
“Cô có tin không, hồi lớp 3 khi mẹ mất con chỉ thấy bất ngờ chứ không khóc, con cũng chưa bao giờ khóc. Con còn chẳng nhớ được mẹ như thế nào ấy.”
Đứa trẻ “chưa bao giờ khóc” ấy tên là Nam, Phạm Hoài Nam (huyện Kim Thành, Hải Dương). Nam 12 tuổi, đang học lớp 6 ở trường cấp 2 gần nhà. Nam sống với ông bà ngoại từ những ngày dứt sữa, để mẹ đi làm. Mẹ Nam vượt biên làm giúp việc. Trong trí nhớ của thằng bé 12 tuổi, thì số lần gặp mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay, khi mẹ về thăm vài ngày ngắn ngủi. Vì vậy, “con chẳng có kỉ niệm nào với mẹ”.
“….Rồi em mơ em gặp ba má em trên đời…”
Sống xa cha mẹ là không phải là mong muốn của những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình lao động xa quê, nhưng là lựa chọn khả dĩ nhất để đổi lấy tương lai mơ hồ nào đó cho chúng. Hình ảnh về cha mẹ cũng vì thế mà trở nên mơ hồ trong tâm trí của những đứa trẻ như Nam. Để rồi, trong sự mơ hồ đó, Nam trở thành trẻ mồ côi.
Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện nay có gần 1.700 trẻ em mồ côi, trong đó có gần 100 trẻ mồ côi cả cha mẹ, 300 trẻ mồ côi mẹ và gần 1.200 trẻ mồ côi cha.
Ông bà ngoại của Nam là nông dân, không có trình độ văn hóa, chỉ có tình yêu thương. Nam lớn lên bằng vài sào ruộng, bằng những vụ lạc, ngô, đỗ… của ông bà. Chăm lo cho Nam có cái ăn, cái mặc đã là quá sức. Còn việc giáo dục giao phó hoàn toàn cho nhà trường. Rồi khi biết cháu học kém, lại chắt bóp tìm một lớp học thêm, một tuần vài buổi đạp xe đưa cháu đến lớp với hi vọng thành tích học tập sẽ cải thiện.
Không có kịch bản nào được chuẩn bị cho những đứa trẻ đối diện với sự mất mát. Những đứa trẻ mồ côi như Nam không chỉ thiếu thốn về vật chất, mà buồn hơn là thiếu thốn cả trong tâm hồn, dù đôi khi bọn trẻ còn chưa gọi tên được cảm giác. Không có những cuộc trò chuyện để hiểu tâm sinh lý của đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên, không có những lời khuyên bảo gần gũi, chỉ là phép tắc cơ bản để những đứa trẻ biết thưa gửi, biết chào người lớn, vậy là ngoan.
Không chỉ có lũ trẻ là nhóm yếu thế, chính ông bà – những người chăm sóc cho lũ trẻ cũng là nhóm yếu thế khi bất đắc dĩ trở thành điểm tựa cho những đứa cháu của mình. Những căn nhà chỉ có người già và con trẻ nương tựa lẫn nhau, không tài sản tích lũy, không công việc và thường trực nỗi lo không còn nhiều thời gian chờ đợi được lũ trẻ trưởng thành.
Nguyễn Minh Lâm (sinh năm 2016) tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Lâm mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, sống với bà ngoại.
Căn nhà cấp 4 của hai bà cháu lạc lõng giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh. Bức tường tróc vôi vữa, mảnh sân gạch trống hoác, đến chiếc cửa ra vào còn khuyết mảnh kính. Tài sản giá trị nhất trong căn nhà lại là chiếc bàn thờ gỗ, bày di ảnh của mẹ Minh Lâm. Lâm trở thành niềm an ủi duy nhất của bà sau khi mất đi con gái. Còn bà ngoại cũng trở thành “người mẹ thứ hai” của Lâm. Trong sổ theo dõi hộ nghèo của địa phương, hai bà cháu Lâm xếp thứ tự thứ 24. Lớn tuổi, không có thu nhập, không thể đi làm thuê xa, bà ngoại Lâm nhận bóc hành tỏi thuê để nuôi cháu.
“….Rồi em mơ em gặp ba má em trên đời…”
Từ tháng 4 năm 2022, Minh Lâm và 39 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Miện và Bình Giang được nhận hỗ trợ theo chương trình “Chặng đường nối yêu thương” do Tập đoàn Hòa Phát triển khai với mức 500.000 đồng/em/tháng.
Tại Quảng Ngãi, Hòa Phát cũng đã hỗ trợ cho 84 em nhỏ mồ côi của huyện Bình Sơn.
“Xe đạp kia là ba thưởng cho con vì con học giỏi đó”. Vừa nói, Bích Ngọc vừa chỉ vào chiếc xe màu đen ngoài sân.
Trên bức tường quét vôi xanh dán vài chiếc giấy khen, vài nét bút vẽ nguệch ngoạc. Những chiếc giấy khen là hình thức trang trí đầy tự hào của các gia đình có con cái đang trong độ tuổi đến trường. Một trong những chiếc giấy khen đó “đổi” được cho Bích Ngọc món quà cuối cùng của ba.
Bích Ngọc, tên đầy đủ là Phan Thị Bích Ngọc, là chị gái lớn trong nhà. Dưới Ngọc còn em trai tên Phan Thanh Hùng. Hai chị em Ngọc nằm trong số 9 trẻ em mồ côi của xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), được hỗ trợ theo chương trình “Chặng đường nối yêu thương” do Tập đoàn Hòa Phát thực hiện.
Bình Thuận là xã vùng biển của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi các hộ gia đình phần lớn bám biển theo nghề cá. Ba của hai chị em Bích Ngọc cũng là ngư dân. Tháng 4/2021 là chuyến đi biển cuối cùng của ba Ngọc, sau đó mãi không trở về. Hai chị em Ngọc mồ côi cha. Hai đứa trẻ khi ấy, lớn học lớp 7, bé học lớp 5. Tụi trẻ tự ý thức được rằng từ nay không còn sự che chở của ba, chỉ còn mẹ là chỗ dựa duy nhất. Hai đứa tự thu mình lại, cố gắng chăm chỉ phụ giúp việc nhà cho mẹ, tự bảo ban nhau học hành.
Nếu hỏi hai đứa tiếc nuối điều gì, tụi nhỏ chỉ bật khóc. Bởi: “Bài thi văn giữa kỳ 1 của con viết về ba, được 9 điểm, nhưng ba không bao giờ đọc được… Có nhiều lúc con cãi lời làm ba buồn, nhưng con không xin lỗi ba được nữa rồi.”

“….Rồi em mơ em gặp ba má em trên đời…”

Đinh Huyền Trang (sinh năm 2011) ở huyện Kim Thành - tỉnh Hải Dương, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Huyền Trang mắc vấn đề về trí tuệ, hiện đang theo học tại trung tâm bảo trợ. Trước đây, Trang được bà ngoại đón từ trường về nhà vào mỗi cuối tuần bằng xe bus, nhưng thời gian gần đây công việc bóc hành tỏi thuê của bà không mang lại thu nhập tốt như trước nên giờ em chỉ được về nhà 2 tuần một lần. Mỗi chuyến đi và về, 2 bà cháu mất 160 nghìn đồng, tương đương với 2 ngày công của bà ngoại.

“….Rồi em mơ em gặp ba má em trên đời…”

“….Rồi em mơ em gặp ba má em trên đời…”

“….Rồi em mơ em gặp ba má em trên đời…”

Bên cạnh phần quà từ Tập đoàn Hòa Phát, các em nhỏ còn được nhận thú bông, đồ chơi... do con em của CBCNV trong Tập đoàn gửi tặng

Trở về sau chuyến đi, chúng tôi càng đồng cảm hơn với những người chị, người cô làm cộng tác viên của Hội phụ nữ. Họ là những người mẹ, trăn trở, chắt chiu từng suất quà của nhà hảo tâm dành tặng các em, chắt chiu thời gian đồng hành cùng những chú dê con lạc cha lạc mẹ, để chúng không mất phương hướng và tự tin lớn lên. Ở Hòa Phát, chúng tôi tự hào được tiếp sức cho tấm lòng của những “người mẹ đỡ đầu” tại các vùng đất mà mình có duyên gắn kết. Chúng tôi cũng sẽ trăn trở để giúp các em được nhiều nhất và ý nghĩa nhất.

Nguồn: Tập đoàn Hoà Phát


Bình luận

Gửi bình luận 0 bình luận

Bài viết liên quan