Hòa Phát tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nhờ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật



Với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó hoạt động sản xuất gang thép sử dụng lượng lớn điện, nước, than… Hòa Phát đề cao việc sử dụng tiết kiệm các loại năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và khuyến khích áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật triển khai tại các nhà máy sản xuất của Tập đoàn.

Thép Hải Dương hiệu quả ngày càng cao nhờ khuyến khích lao động sáng tạo

Ở Hòa Phát, Ban lãnh đạo luôn khuyến khích, động viên tạo điều kiện cho CBNCV phát huy hết khả năng sáng tạo. Chính vì thế hàng năm phong trào sáng kiến cải tiến của các công ty thành viên diễn ra hết sức sôi nổi. Trong số đó phải nhắc đến Thép Hòa Phát Hải Dương nơi có tới vài chục sáng kiến, làm lợi cho công ty hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đều đặn hàng năm, Công ty tổng hợp sáng kiến làm hai đợt và tổ chức các hoạt động khen thưởng cá nhân, tập thể có những sáng kiến xuất sắc nhất. Năm 2019, Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương đã có 55 sáng kiến cải tiến, với giá trị làm lợi khoảng 150 tỷ đồng. Có thể kể đến sáng kiến thiết kế, lắp đặt hệ thống tuyển than của anh Lê Quang Vượng, Nguyễn Văn Dương – Nhà máy Luyện thép để chọn lọc ra những loại than hợp quy cách phục vụ sản xuất và loại bỏ than cám. Công suất thiết kế của hệ thống đạt 50-70 tấn/giờ, đảm bảo cung cấp than phục vụ sản xuất, nghiền sàng phân loại than hợp quy cách (cỡ hạt 8-10mm) để phục vụ hợp kim hóa sau lò, loại bỏ than cám mịn không hợp quy cách. Sáng kiến này đã tiết kiệm cho công ty chi phí 89 tỷ đồng/năm đồng thời đảm bảo được chất lượng than ron cung cấp cho lò thổi, giảm lượng bụi phát sinh khi hợp kim hóa sau lò, giảm tiêu hao và hạn chế phát sinh bụi than cám khi hợp kim sau lò, tận dụng được lượng than cám mịn cung cung cấp cho thiêu kết.
Còn sáng kiến “Nâng cao chất lượng phôi đúc cho hệ thống máy đúc” của anh Hồ Văn Cường, Quản đốc PX Đúc, Nhà máy Luyện thép đề xuất đăng ký góp phần hạn chế được các khuyết tật nứt phôi đúc, tăng tốc độ đúc. Về công nghệ, sáng kiến đã hoàn thiện được bảng chế độ nước làm mát phôi chuẩn cho từng mác thép và từng tiết diện phôi đúc. Đối với thiết bị, hoàn thiện quy trình cân chỉnh và lắp đặt cây nước, hiệu chỉnh bán kính cong R&M cho máy đúc. Tinh thần tập thể sáng kiến này không chỉ giúp đạt chất lượng phôi đúc mà giá trị làm lợi cho công ty là con số không hề nhỏ - trên 12,3 tỷ đồng/năm.
Để tìm giải pháp tối ưu cho công ty trong hoạt động sản xuất, anh Đặng Việt Thanh – Trưởng phòng Phòng Công nghệ đã đề xuất sáng kiến “Sử dụng quặng hồi lò cao thay thế quặng thiêu kết dùng cho quá trình tạo xỉ trong công đoạn nấu luyện thép lò thổi” có giá trị làm lợi tới hơn 11,35 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, lượng sử dụng quặng hồi thay thế được hoàn toàn quặng thiêu kết, đáp ứng được yêu cầu tạo xỉ lò thổi và điều nhiệt lò. Sản lượng và chất lượng đều đạt yêu cầu, từ tháng 3/2019 không bị thiếu quặng thiêu kết cho 3 lò cao sử dụng.
Ngoài ra, Nhà máy Luyện thép còn đóng góp thêm 2 sáng kiến cải tiến nữa là “Cải tiến nắp đậy thùng trung gian” và “Khắc phục lỗ khí bề mặt phôi đúc” do anh Hồ Văn Cường và anh Phùng Nhật Quang – Quản đốc Lò thổi đề xuất với giá trị làm lợi ước tính trên 2,5 tỷ đồng/năm…
Một số sáng kiến giá trị không cao nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sản xuất, góp phần vận hành máy móc ổn định, giảm chi phí tiêu hao vật tư nguyên liệu, làm lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, đảm bảo ATVSLĐ cho công nhân vận hành. Có những sáng kiến quan trọng, tạo nên các sản phẩm mới cho công ty như “Cải tiến, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất mác thép SWRY11 thay thế 05Kπ  làm nguyên liệu cho sản xuất thép que hàn” của Phòng Công nghệ. Nhờ áp dụng sáng kiến này, Công ty đã cung cấp ra thị trường gần 5.500 tấn thép cuộn Ø 6 và gần 200 tấn thép cuộn Ø 5,5 cho các nhà sản xuất que hàn trong năm qua.

Ống thép Hòa Phát và nhiều giải pháp tiết kiệm điện giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào

Với nhiều sáng kiến cải tiến được đề xuất, áp dụng hiệu quả trong thực tế, các công ty Ống thép đã làm lợi cho Hòa Phát nhiều tỷ đồng mỗi năm. Quan trọng hơn, phong trào đã có sức lan tỏa lớn tới cán bộ, kỹ sư, công nhân ở tất cả các phân xưởng, nhà máy của Ống thép Hòa Phát trên toàn quốc.
Tại Nhà máy Ống thép Hòa Phát Hưng Yên, với 16 sáng kiến, năm 2019, Ống thép Hưng Yên đã tiết kiệm hơn 3,6 tỷ/năm bằng những đề tài cải tiến bắt nguồn từ chính thực tế công việc trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm tiêu hao nguyên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhận thấy mức tiêu thụ điện năng vào thời điểm giờ cao điểm trên các dây chuyền sản xuất đặc biệt là dây chuyền cán tương đối cao chiếm từ 18-24% tổng điện năng sử dụng, để tiết kiệm điện cho nhà máy, anh Trần Ngọc Duy, Phòng Kỹ thuật đã điều chỉnh công suất, giảm thời gian hoạt động của máy cán vào giờ cao điểm, tăng năng suất vào giờ thấp điểm. Qua đó đã tiết kiệm 1,36 tỷ đồng/năm chi phí tiền điện cho nhà máy khi đi vào thực hiện.
Đề tài giảm công suất quạt bằng cách thiết kế mạch điều khiển biến tần có thể điều chỉnh được tốc độ quạt Cyclon từ 0 đến 100% tốc độ định mức của anh Hoàng Văn Vinh đã tiết giảm tiêu thụ điện năng, làm lợi cho nhà máy trên 210 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, các sáng kiến cải tiến của Ống thép Hưng Yên còn tập trung vào các đề tài giảm tiêu hao nguyên vật liệu, tránh lãng phí vật tư như đề tài Tận dụng dây đai tại các công đoạn sản xuất của anh Trương Văn Đình Nguyên, Phòng QLCL. Trong quá trình sản xuất, anh Nguyên thấy dây đai thép BR32x0.9mm của các cuộn tôn nguyên liệu và dây đai nhựa của các cuộn tôn mạ kẽm sau khi cắt đều chuyển thành phế liệu nên đã đề xuất tận dụng lại các dây đai này cho các công đoạn sản xuất tại nhà máy. Sau khi áp dụng sáng kiến này đã giảm được 50% dây đai nhựa, giảm hoàn toàn lượng đai phải sử dụng cho cán tẩy, làm lợi cho nhà máy 380 triệu đồng/năm.
Một số sáng kiến cũng góp phần cải thiện môi trường, hạn chế nguy cơ mất an toàn trong khi làm việc như đề tài Giảm hơi a xít thoát ra qua ống thở của các bồn chứa a xít HCL ở xưởng Cán Mạ của anh Nguyễn Đức Cơ, Giám đốc Nhà máy Ống thép Hưng Yên. Đề tài Gia công lắp dựng dầm treo palăng dùng cấp liệu cho máy tiện Dainichi và phục vụ xoay, lập khi đắp hàn CO2 của anh Đinh Văn Chủ, Xưởng Cơ điện giảm nguy cơ gây nguy hiểm cho người và giảm hỏng thiết bị.
Tại Công ty Ống thép Hòa Phát Đà Nẵng, sáng kiến Hợp lý hóa sản xuất nhằm tiết kiệm điện năng phục vụ sản xuất do anh Huỳnh Thanh Thuần - PGĐ Nhà máy ống thép Đà Nẵng chủ trì góp phần tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Cụ thể, Trạm biến áp Xưởng cán mạ, Xưởng uốn, mạ ống bình quân mỗi tháng tiết kiệm được trên 70 triệu đồng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Còn sáng kiến Chế tạo giàn đóng bó bán tự động của nhóm KTV cơ khí - Phòng Kỹ thuật đã giảm sức lao động cho công nhân, không phải tăng ca đóng bó, đảm bảo an toàn cho người lao động. Việc cải tiến đầu thổi lòng trong ống Φ 21mm, Φ 27mm cũng giúp nhà máy giảm tiêu hao kẽm khoảng trên 20% so với khuôn thổi thông thường.

Công ty Ống thép Hòa Phát Bình Dương cũng đóng góp 10 sáng kiến cải tiến thiết bị năm 2019. Trong đó phải kể đến các đề tài như: Cải tiến hệ thống thu hồi dầu cắt gọt máy uốn, bỏ hầm chìm chi phí cao và chiếm mặt bằng sản xuất của Phòng Kỹ thuật đã giảm hẳn chi phí hầm chìm lớn và thùng sắt, đặc biệt giải phóng mặt bằng cho khu đóng bó và kho bãi. Ngoài ra, đề tài cải tiến bỏ cụm cấp ống hầm sấy bước 1, ổn định điều khiển giảm lỗi ống hơn và nâng cao năng suất của dây chuyền MO2 do Phòng Kỹ thuật và Cơ điện thực hiện giúp giảm tiêu hao điện sử dụng cho động cơ, giảm chi phí phải dự phòng thiết bị cho cụm cấp ống, nâng cao năng suất của MO2.

Nguồn: Tập đoàn Hòa Phát


Bình luận

Gửi bình luận 0 bình luận

Bài viết liên quan